Cơ quan chức năng sẽ tịch thu phương tiện đối với các hành vi cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số máy trên xe gắn máy và sẽ khôn giải quyết đăng ký cho các trường hợp trên.
Số khung, số máy là gì?
Số khung, số máy (số động cơ) trên xe gắn máy là thông số quan trọng dùng để xác định nguồn gốc, mã hiệu cũng như được sử dụng để làm giấy tờ, thủ tục đăng ký xe với cơ quan chức năng.

Các thông số về số khung, số máy của xe sẽ được đóng, khắc trên vỏ động cơ (số máy) và khung xe (số khung) và được ghi vào giấy đăng ký xe. Đây cũng là những thông số quan trọng để cơ quan Công an quản lý việc đăng ký, mua bán, sang nhượng… phương tiện.
Căn cứ theo quy định khoản 3, điều 31, Thông tư số 79/2024/TT-BCA do Bộ Công an ban hành về việc quản lý số khung số máy có nêu rõ: “Trong mọi trường hợp, việc đóng lại số máy, số khung đều phải do cơ quan đăng ký xe thực hiện”. Như vậy, việc tự ý đóng sửa số khung số máy là vi phạm pháp luật dưới mọi hình thức.
Đục sửa số khung, số máy trái phép bị xử phạt thế nào?
Khoản 4, điều 31, Thông tư số 79/2024/TT-BCA cũng nêu rõ: “Xe có số máy, số khung bị cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép; nội dung quyết định tịch thu, biên bản tịch thu không xác định được số máy, số khung thì không giải quyết đăng ký xe”.

Trong khi đó, các hành vi cắt, hàn, tẩy xoá, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy) cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, theo điểm a, khoản 17, Điều 32, Nghị định 168/2024/NĐ-CP: “Các hành vi cắt, hàn, tẩy xoá, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy); đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, tẩy xoá, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy) tham gia giao thông” sẽ bị tịch thu phương tiện.
Như vậy, việc đực sửa số khung, số máy sẽ bị tịch thu phương tiện (nếu tham gia giao thông) và không giải quyết đăng ký xe cho các phương tiện bị đục sửa số khung số máy.