Xăng là nhiên liệu thiết yếu cho động cơ, trong khi nước lại cản trở quá trình đốt cháy. Khi nước tràn vào bình xăng ô tô hiệu quả đốt cháy sẽ giảm, đồng thời có thể dẫn đến ăn mòn kim loại, hỏng kim phun và thậm chí là hư hại động cơ – một trong những bộ phận đắt đỏ nhất trên xe.

Nước vào bình xăng bằng đường nào?
Về các nguyên nhân chủ quan, đôi khi tài xế có thể vô tình đổ nhầm nước vào bình xăng, dù nghe có vẻ khó tin nhưng thực tế vẫn xảy ra. Hay việc quên đậy nắp bình xăng khi đưa xe đi rửa cũng có thể tạo điều kiện cho nước lọt vào.
Đáng lo ngại hơn, có thể có trường hợp kẻ xấu cố tình đổ nước vào bình xăng để phá hoại tài sản. Ngoài ra, việc không bảo dưỡng xe định kỳ, bỏ qua việc kiểm tra rò rỉ hay tình trạng han gỉ của đường ống dẫn xăng và bình chứa nhiên liệu cũng là những yếu tố tạo kẽ hở cho nước len lỏi vào hệ thống.

Nếu xe ít được sử dụng hoặc bình xăng thường xuyên ở mức thấp trong thời gian dài, sự biến đổi của nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường có thể tạo ra hơi nước. Hơi nước này sau đó sẽ ngưng tụ thành giọt và rơi xuống đáy bình.
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là xăng kém chất lượng được mua từ các trạm xăng. Có thể do bể chứa ngầm không được bảo dưỡng tốt dẫn đến rò rỉ, hoặc tệ hơn là chủ cây xăng cố tình pha trộn nước để trục lợi.
Có một số dấu hiệu có thể nhận biết nước tràn vào bình xăng ô tô được các chuyên gia chăm sóc xe chỉ ra như sau:
- Xe chạy không đều, rung giật hoặc chết máy giữa chừng.
- Động cơ khó nổ hoặc nổ không đều.
- Ống xả xuất hiện khói trắng, tương tự tình trạng thổi gioăng mặt máy.
Khi thấy những dấu hiệu này, người dùng cần kiểm tra ngay. Việc tiếp tục vận hành xe trong tình trạng này sẽ làm hư hỏng thêm nhiều bộ phận khác và tăng chi phí sửa chữa.
Cách xử lý khi nước tràn vào bình xăng ô tô
Nếu bạn nghi ngờ bình xăng xe bị nhiễm nước, hãy dùng ống xi phông hút một lượng nhỏ nhiên liệu ra một bình chứa trong suốt. Nếu quan sát thấy một lớp nước lắng đọng ở đáy, điều đó xác nhận xăng đã bị lẫn nước.
Trong trường hợp này, bạn có thể tự xử lý bằng cách rút hoặc xả toàn bộ nhiên liệu bị nhiễm nước ra khỏi bình xăng, sau đó đổ đầy lại bằng nhiên liệu mới, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, nếu tình hình phức tạp hơn, người dùng cần mang xe đến các trung tâm dịch vụ uy tín để được kiểm tra chuyên sâu. Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ thực hiện việc tháo hạ bình xăng và xúc rửa toàn bộ bên trong.

Đây là một công đoạn đòi hỏi thời gian, thường mất từ 1 đến 2 ngày để hoàn tất. Trong trường hợp bơm xăng có dấu hiệu hư hỏng hoặc hoạt động kém, việc thay thế cả cụm bơm và lọc nhiên liệu mới sẽ là cần thiết.
Về chi phí, việc xúc rửa bình xăng thường vào khoảng 2 triệu đồng. Chi phí thay bơm xăng có thể lên tới vài triệu đồng, tùy thuộc vào hãng xe và thương hiệu. Còn chi phí cho phụ kiện lọc xăng dao động từ 400.000 đến 1.000.000 đồng/bộ.
Ngoài ra, người dùng có thể cân nhắc sử dụng thêm các loại phụ gia nhiên liệu chứa cồn Isopropyl hoặc Ethanol để giúp hấp thụ và loại bỏ lượng nước còn sót lại trong hệ thống. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng thêm các loại phụ gia nhiên liệu chứa cồn Isopropyl hoặc Ethanol để hấp thụ và loại bỏ lượng nước còn sót lại trong hệ thống.