Khi tham gia giao thông, nhất là tại các đoạn đường có mật độ giao thông cao chúng ta thường thấy vạch mắt võng được kẻ ở hai bên đường. Vậy, ý nghĩa của vạch mắt võng là gì và khi thấy vạch mắt võng chúng ta cần làm gì? Cùng Thị Trường Xe tìm hiểu dưới đây nhé:

Vạch mắt võng là gì?
Vạch mắt võng được quy định tại mục e Nhóm G1.4 Phụ lục G Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT là loại vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển giao thông không được phép dừng, đậu/đổ phương tiện trong phạm vi phần đường có kẻ vạch mắt võng.

Vạch mắt võng thường được bố trí tại các vị trí như: đoạn đường tiềm ẩn tai nạn giao thông, nút giao với đường sắt, bệnh viện, cổng trường học, trung tâm hành chính và trung tâm y tế.
Vạch mắt võng thường được sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng, cấm đỗ trên một nút giao cùng mức, tại các nhánh dẫn vào hoặc dẫn ra ở các nút giao hoặc những vị trí mặt đường không cho phép phương tiện dừng xe để tránh ùn tắc giao thông.
Vạch mắt võng có mấy loại?
Có 02 loại vạch mắt võng được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Vạch mắt võng đơn giản: là vạch màu vàng có các đường gạch chéo bên trong hình chữ nhật lớn, nét vẽ thường có kích thước từ 20cm – 40cm.
- Vạch mắt võng thông thường: Bao gồm vạch kẻ vành bên ngoài và vạch bên trong, vạch bên ngoài là vạch dùng để giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng 20cm và vạch bên trong thường rộng 10cm với góc nghiêng 45 độ so với vạch bên ngoài, khoảng cách đường chéo từ 1m-5m.

Đi như thế nào khi gặp vạch mắt võng?
Khi bắt gặp vạch mắt võng trên đường, người điều khiển phương tiện cần xác định xem vạch mắt võng đó có mũi tên chỉ đường trên đó hay không, vì có 02 trường hợp như sau:
- Vạch kẻ mắt võng không có mũi tên chỉ hướng: thì phương tiện di chuyển đè lên vạch sẽ không bị xử phạt, phương tiện chỉ bị xử phạt khi thực hiện hành vi dừng hoặc đậu/đỗ xe ở vị trí này.
- Vạch kẻ mắt võng có mũi tên chỉ hướng: thì phương tiện đang có hướng di chuyển đúng theo mũi tên chỉ hướng in trên vạch kẻ mắt võng thì có quyền đè lên vạch và di chuyển tiếp mà không bị xử phạt. Nếu phương tiện đè lên vạch kẻ mắt võng nhưng di chuyển theo một hướng khác so với chỉ dẫn của mũi tên in trên vạch mắt võng thì sẽ bị xử phạt.

Ví dụ: Khi lưu thông đến ngã tư, thông thường sẽ có 01 vạch mắt võng được bố trí sát lề bên phải và có 01 mũi tên chỉ hướng rẽ phải. Nếu người điều khiển phương tiện có ý định rẽ phải thì có thể đứng đợi trên vạch kẻ này hoặc đè lên vạch để rẽ phải. Nếu phương tiện đi thẳng mà đè lên vạch kẻ này thì được xem là lỗi vi phạm và bị xử phạt theo quy định.
Vi phạm vạch mắt võng bị phạt bao nhiêu theo nghị định 168?
Việc vi phạm vạch mắt võng trong năm 2025 được ghi nhận là lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, mức phạt của lỗi này được quy định cụ thể tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:
- Xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm a, khoản 1 điều 6 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a, khoản 1 điều 7 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm a, khoản 1 điều 8 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm c, khoản 1 điều 9 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng (điểm b, khoản 1 điều 11 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng (điểm b, khoản 1 điều 10 nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Như vậy, mức phạt vi phạm vạch mắc võng được xem là không chấp hành hiệu hoặc chỉ dẫn của vạch kẻ đường và bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 600.000 đồng tùy vào phương tiện vi phạm.
- Lỗi quá tốc độ xe máy bị phạt bao nhiêu theo nghị định 168?
- Giá lăn bánh Ford Transit 2024 & Tin Khuyến Mãi tháng (05/2025)
- Giá xe Hyundai Stargazer 2025 lăn bánh mới nhất tháng 05/2025
- VinFast kiến nghị miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện thêm 03 năm
- Giá xe Hyundai Accent 2025 lăn bánh mới nhất tháng 05/2025